Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Phòng trà ca nhạc Hà Nội: Chờ được đánh thức

Phòng trà ca nhạc Hà Nội: Chờ được đánh thức

KTĐT - Thời gian gần đây, hàng loạt phòng trà ca nhạc ở Hà Nội nối đuôi nhau dừng hoạt động. Dù các ông chủ phòng trà đã bày ra đủ các "chiêu" hút khách nhưng người Hà Nội vẫn không mặn mà với không gian âm nhạc này.

Đồng loạt đổ bể
Hơn 10 năm trước, thành công của phòng trà Aladin (ngõ Hàng Bột) là tín hiệu vui cho mô hình phòng trà ca nhạc tại Hà Nội. Không gian nhỏ với khoảng 100 chỗ ngồi của Aladin - tâm huyết của NSND Thanh Hoa - lúc nào cũng chật kín khán giả. Gần 10 năm, người Hà Nội cùng khách du lịch đã tìm đến Aladin như là địa chỉ của những người yêu nhạc đỏ. Tuy nhiên, khi NSND Thanh Hoa "thừa thắng xông lên" mở thêm Aladin II (khách sạn Thắng Lợi) và mở rộng biên độ thưởng thức âm nhạc (gồm nhạc đỏ và nhạc bán cổ điển) thì không gian âm nhạc ấy lại không được như mong đợi. Tồn tại cầm chừng với lượng khán giả có hạn được thêm gần 4 năm, Aladin I và Aladin II đành dừng hoạt động. NSND Thanh Hoa tâm sự: "Khi tôi nâng cấp phòng trà, muốn tạo ra một không gian âm nhạc đích thực thì vấp phải khó khăn. Chất lượng tăng đi kèm giá cả tăng. Tuy nhiên, khán giả đến với phòng trà vừa muốn nghe ca sỹ hạng "sao" hát nhưng vừa muốn trả tiền đồ uống bằng giá của quán cafe bình dân".
Ngoài Thanh Hoa, không ít ca sĩ trẻ ở Hà Nội nuôi ý tưởng mở phòng trà ca nhạc, một mặt là phát triển kinh doanh, mặt khác vì mong muốn tạo được không khí hoạt động âm nhạc sôi động như ở Sài Gòn và Đà Nẵng. Năm 2009, ca sỹ Lê Anh Dũng (giải nhất Sao Mai 2007 của dòng nhạc thính phòng) đã cùng một số anh em đầu tư 3 tỷ đồng mở phòng trà Bee Club (số 2B Phạm Ngọc Thạch). Toàn bộ hệ thống âm thanh, ánh sáng ở sân khấu phòng trà đều đạt tiêu chuẩn "ngoại". Ban đầu, Lê Anh Dũng tham vọng "đỏ đèn" sân khấu phòng trà cả 6 đêm trong tuần. Song, chỉ sau hơn một năm hoạt động, Bee Club đã chật vật bù lỗ. Mặc dù, Lê Anh Dũng đã xây dựng mô hình hoạt động ban ngày là quán cơm văn phòng, tối đến rập rình tiếng nhạc. Tuy nhiên, sau thời gian mệt mỏi tìm đủ cách để duy trì, đến đầu năm 2010, Lê Anh Dũng đã chuyển nhượng cổ phần của mình tại Bee Club.
Cổ đông "thế chỗ" Lê Anh Dũng trong Bee Club cũng là một người giàu tình yêu nghệ thuật. Anh mở chiến dịch quảng bá mới cho Bee Club với mong muốn cứu vớt dự án này. Các giọng ca hàng đầu trong nước và hải ngoại như: Khánh Hà, Tuấn Ngọc, Anh Thơ, Trọng Tấn, Lan Anh… đã được mời đến đây biểu diễn. Song, Bee Club trong diện mạo mới cũng chỉ có khả năng duy trì được nửa năm. Cho đến nay, phòng trà ca nhạc này cũng đã dừng hoạt động.
Bao giờ hết"ngủ đông"?
Ca sĩ Lê Anh Dũng ngậm ngùi nhìn lại những tâm huyết không thành khi thực hiện Bee Club: "Bắt tay vào duy trì hoạt động của Bee Club, tôi mới vỡ ra là kinh doanh phòng trà ca nhạc tại Hà Nội là kinh doanh một mặt hàng bị động. Thời gian làm biên tập âm nhạc cho phòng trà Bee Club, tôi luôn ở trong trạng thái chai mặt. Không biết bao nhiêu lần tôi gọi điện nhờ vả, nói ngon nói ngọt với các đồng nghiệp kêu gọi ủng hộ phòng trà bằng việc xếp lịch diễn. Nhưng, yêu quý nhau bao nhiêu thì trong công việc không thể nói mãi từ… giúp. Vắng khách, nghệ sỹ nản lòng".
Tuấn Hiệp - ông chủ phòng trà Malaideli (92 Trấn Vũ), thì mang trong mình nỗi khổ khác. Duy trì 2 buổi biểu diễn trong tuần (thứ 5 và thứ 7) với những giọng ca trữ tình lãng mạn của Hà Nội như: Thanh Lam, Tùng Dương, Khánh Linh, Nguyễn Ngọc Anh… nhưng "Không ít lần tôi và những người bạn phải "chữa cháy" chương trình. Với mức trả tối đa là 3 - 5 triệu đồng cho một buổi diễn (trong khi đó một sô diễn của các "ngôi sao" có giá khoảng ngoài 10 triệu đồng, nhiều khi lên đến 50 - 60 triệu), phòng trà không có khả năng ràng buộc nghệ sỹ bằng các hợp đồng. Nói nhẹ nhàng, vui vẻ họ còn đến diễn cho mình, làm gay gắt, phòng trà sẽ không còn "ngôi sao" - Tuấn Hiệp chia sẻ.
Trong khi ở TP. HCM, việc có tên trong lịch diễn của các phòng trà Đồng Dao, Không tên… là cách khẳng định tên tuổi của nghệ sỹ. Vì biểu diễn được ở những nơi đó không chỉ đảm bảo tiền catxe cao và ổn định, mà ca sĩ có cơ hội tiếp xúc với số lượng khán giả lớn. Ngược lại, người Hà Nội vừa khó tính trong gu thưởng thức âm nhạc, lại không có thói quen vừa nghe nhạc vừa uống ly cà phê được coi là đắt đỏ. Bao giờ phòng trà ca nhạc ở Hà Nội hết "ngủ đông"? Câu hỏi chưa thể trả lời khi chưa tìm thấy những anh tài có khả năng đánh thức và thay đổi thói quen thưởng thức nhạc của người Hà Nội.
Thanh Khánh
 (Baomoi.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét