Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Phòng trà - trà thất

Phòng trà - trà thất trong trà đạo Nhật bản
Phòng trà (trà thất - sukiya), không đòi hỏi gì hơn là một mái nhà nhỏ nơi thôn dã, có thể chỉ là một túp lều. Sukya là từ biểu ý Ngôi nhà ngẫu hứng. Sau này, các bậc trà sư, tùy theo quan niệm riêng của mỗi người về trà thất mà thay thế bằng một số từ gốc Hán khác như Ngôi nhà Hư không, Ngôi nhà không đối xứng…
Gọi là ngôi nhà Ngẫu hứng vì đó chẳng qua chỉ là một túp lều dựng tạm để chứa đựng nguồn thi hứng mới nảy sinh. Nó là ngôi nhà Hư không vì trong ngôi nhà ấy tuyệt nhiên không có bất kỳ sự trang trí nào để mỗi lần đến thưởng ngoạn trà, người ta có thể đặt vào đó mấy thứ tối thiểu đủ đáp ứng nhu cầu mỹ học tức thời. Cái tên ngôi nhà Không đối xứng, bởi đó là nơi tôn vinh cái không hoàn hảo, người ta cố tình bày ra những thứ làm dở dang để dành cho trí tưởng tượng của mỗi người hoàn tất nốt phần công việc. 


Lý tưởng của Trà đạo đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới quan niệm của người Nhật về kiến trúc tới mức nội thất nhà cửa của Nhật ngày nay vẫn giản đơn, thậm chí gần như trống trải dưới con mắt người nước ngoài, do cách bày biện, trang trí thật sự giản dị và thuần khiết.

Sự đơn giản và tinh khiết của Phòng trà vốn lấy cảm hứng từ Thiền viện. Trà đạo vốn bắt nguồn từ nghi thức các thiền sư tụ hội trước tượng Bồ đề Lạt Ma và chung nhau thưởng ngoạn trà trong cùng một cái bát. Tất cả các trà sư ở Nhật đều là những người nghiên cứu và thực hành Thiền, họ cố sức mang tinh hoa của triết lý Thiền ứng dụng vào cuộc sống thường ngày.

Phòng trà và các vật dụng cần thiết để tiến hành Lễ thức dùng trà đều phản ánh giáo lý Thiền. Kích thước chuẩn của Phòng trà chính thống rộng bằng 4 chiếc chiếu rưỡi, tức là khoảng 9m2. Kích thước này dựa trên một đoạn trong kinh Duy Ma, trong kinh có thuật lại chuyện hòa thượng Vikramadytia tiếp bồ tát Manjushri cùng 84 tăng lữ tháp tùng trong một căn phòng chỉ rộng có chừng ấy – một ẩn dụ nói lên sự không tồn tại của không gian đối với ai đã thật sự giác ngộ.

Roji (lối đi trong vườn) dẫn từ hàng hiên tới phòng trà, tượng trưng cho giai đoạn đầu tiên của minh tưởng trên con đường đi tới giác ngộ. Đi trên roji, khách cắt bỏ mối liên hệ của mình với thế giới bên ngoài, nhờ vậy cảm thấy người mình lâng lâng thư thái cả về thể chất và tinh thần, để sẵn sàng thưởng ngoạn cái đẹp thuần khiết đang chờ mình ở phòng trà. Những ai đã từng đặt bước trên con đường hai bên có những chiếc đèn lồng bằng đá phủ đầy rêu, trong cảnh tranh tối tranh sáng lúc hoàng hôn, chân đặt nhẹ trên mặt đường sỏi trải không đều trên nền lá thông khô, sẽ chẳng bao giờ quên được cảm giác thanh lãng như thể tâm hồn mình đang phiêu bồng chốn không trung, lòng không chút vướng bận ý nghĩ tầm thường nơi thế sự.

Khi tới trà thất, mọi người đều phải tháo bỏ vật dụng thừa mang theo, để bên ngoài, như rũ bỏ vướng bận cuộc sống. Rồi theo nhau khom người chui vào phòng qua cái cửa bé tẹo. Đây là cách bắt buộc mọi khách mời, không phân biệt địa vị sang hèn, đều phải cúi người, hàm ý nhắc nhở đức khiêm cung. Chủ nhân chỉ bước vào khi mọi khách đã yên vị, và phòng trà tuyệt đối thanh tĩnh, chỉ có tiếng nước reo nhè nhẹ trong siêu bằng sắt. Tiếng reo tinh tế này nhờ được cho vào trong siêu vài mảnh sắt nhằm tạo giai điệu riêng, như tiếng róc rách của suối trên non cao, hay sóng biển vỗ vào ghềnh đá xa xăm, tiếng thông rì rầm than vãn trên đồi xa …

Người ta có thể tìm thấy nơi phòng trà cái phù du của cuộc thế qua mái tranh lợp sơ sài, thấy cái mong manh của đời người qua các cột chống thanh mảnh, cái khinh bạc của phù hoa qua các cọc đỡ bằng tre, vẻ thô sơ cẩu thả bề ngoài của mọi vật qua việc cố tình sử dụng những vật liệu tầm thường. Ý tưởng về vĩnh hằng được tìm thấy nơi tinh thần của các vật dụng chung quanh, mà sự tinh giản làm toát lên nét thanh nhã cực kỳ tinh tế.

Sự giản dị của phòng trà là một cách cố tình tránh đưa vào đây những gì quá thông tục, làm trà thất thật sự là nơi ẩn náu khỏi mọi buồn lo của cuộc sống, là nơi ta có thể toàn tâm toàn ý tôn thờ cái đẹp. Phòng trà là nơi duy nhất các tâm hồn nghệ sĩ có thể tìm đến nhau để tìm sự cảm thông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét